Bố mẹ thường dạy con người tốt và người xấu. Và, dĩ nhiên cũng thường lấy những tấm gương điển hình để dạy con, làm hình tượng khuôn mẫu để con mình hướng đến. Nhưng, nhiều lúc, đó cũng là một sai lầm về cách dạy con của thế hệ trẻ và không trẻ. Dẫu biết rằng những thần tượng của họ, những bậc vĩ nhân có thể vĩ đại chừng nào nhưng cũng không nên áp đặt con họ như này như kia để sau lớn lên có thể tỏa sáng trên bầu trời và đưa vinh danh về cho họ hàng.
Mỗi người sinh ra đều có cái tôi bản ngã của mình. Bất kể ai, họ cũng có niềm đam mê và mơ ước riêng. Cho dù đó chỉ là người hành khất hay là những người sống với cuộc sống giàu sang, phú quý.
Một đứa trẻ có ước mơ lớn lên làm một cô thợ may, để may quần áo cho những người thương yêu và dân làng. Nhưng ước mơ ấy đã được mẹ của em xem là mạt hạng, nghèo nàn và nghiêm cấm em mơ ước như thế.Bởi vì, trong mắt mẹ em, có lẽ là khổ cực trong cuộc sống nghèo ở xóm huyện nghèo nên mẹ mong em trở thành nhà thiết kế thời trang hoặc bác sỹ để em có thể đổi đời về sau.
Rồi, những người làm kinh tế, là doanh nhân họ mong muốn rằng con mình sau cũng trở thành những nhà kinh doanh giỏi như cha mẹ chúng mà quên đi rằng con cũng có ước mơ hoài bão riêng.
Và, còn nhiều những trường hợp bi hài như thế. Tôi gọi rằng đó là tình thương áp đặt và kìm hãm ước mơ của người con. Cho dù tất cả đều là muốn người con có một tương lai tốt hơn, tươi sáng hơn.
Mỗi người sinh ra đều có một niềm đam mê riêng, không ai giống ai, cũng không ai được áp đặt vào ai cho dù rằng đó là muốn tốt cho con hay là mình đi trước nên mình hiểu rõ con cần gì hơn mình
Phải yêu tiền mới có động lực để làm việc. Nhưng cũng phải yêu đam mê của mình để có thể sáng tạo trong từng việc làm, để có thể phát huy được những khả năng tiềm tàng trong mỗi con người chúng ta.
Nghề nào cũng có cái hay và danh giá của nghề. Cũng không có nghề hạng sang và không, miễn sao các nghề ấy được pháp luật cho phép.
Cũng đừng vì truyền thồng gia đình mà này nọ trong việc lựa nghề chọn nghiệp cho con. Hãy để tự con quyết định và hãy để con mình biết ước mơ, biết có hoài bão.
Việc gần con và hiểu con thì có lẽ là rất ít bậc sinh thành làm tròn được nghĩa vụ ấy. Bởi, cuộc sống đã khiến họ quay cuồng với những vòng quay của công việc, cứ nghĩ rằng là kiếm tiền nhiều để bù đắp cho con, để con không thiếu thốn như thế mới là tình thương, như thế mới là trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng, thử hỏi rằng mấy đứa con thấu được nỗi khổ của cha mẹ chúng?
Tôi từng quen với một người chị, rất thương con và sống có trái tim thiện nguyện vô cùng lớn lao. Chị làm việc tất cả cũng vì con, muốn con có một cuộc sống ấm no như bao nhiêu bậc sinh thành khác. Những lần ủng hộ đồng bão lũ lụt, những lần giúp đỡ người nghèo chị luôn để tên con của chị. Dẫu biết rằng chị làm như thế là tốt, giúp được người nhưng sẽ không tốt với con chị bao giờ. Bởi lẽ, bé còn nhỏ làm sao mà có số tiền lớn vậy để cho người nghèo, rồi lớn lên bé có hiểu được cho chị không hay là chị gián tiếp dạy bé cách lấy tài sản của người khác đi làm việc tốt còn tiền của mình thì khư khư giữ. Muốn con có trái tim thiện nguyện, biết giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, thì tốt hơn những lần đi tình nguyện thì đưa con đi theo, để con hiểu, con thấy được rằng trên đời còn có nhiều người khổ đau và cũng có nhiều người tốt. Rồi lớn lên, bé cũng sẽ có trái tim chở che như chị. Còn tiền, có thể mỗi tháng cho bé bao nhiêu để tiêu, thì vận động bé để một ít vào quỹ tiết kiệm của bé. Sau này, chỉ cần thấy chị làm từ thiện, bé sẽ lấy số tiền bé có đi ủng hộ người nghèo.
Dạy cho con biết ước mơ từ bé. Dạy cho con biết sẽ chia và dạy cho con biết mỉm cười mỗi lúc khó khăn.
Nếu con mà chỉ mong muốn làm một người nông dân, một cô lao công hay một người bảo vệ thì cũng hãy tôn trọng. Hãy để con tự tập bước đi đầu tiên cho mình, dù chập chững rồi ngã nhưng cũng còn hơn rất nhiều mẹ cha quyết định tất cả rồi vô tình biến con thành con gà công nghiệp
Mẹ cha chỉ đi với con được đầu của cuộc đời, không thể bên con suốt cả chặng đường dài. Vậy nên, hãy để con tự quyết định tương lai của con, hãy để con quyết định đam mê và mơ ước của mình. Bạn cho con cuộc đời, và đừng đánh cắp ước mơ của con
Đừng truyền thống gia đình, đừng vì cao quý hay không, đừng vì nhiều tiền ít
tiền. Mà hãy vì con, lắng nghe, gần gũi và khích lệ ước mơ cho con. Vậy thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét