Chuyển đến nội dung chính

Cái gì trói buộc con người


Ngày xưa, có hai vợ chồng nọ làm nghề nông, trong nhà có nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà, còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày, trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chiều tối mới về, còn chó ta chỉ việc nằm phè ở nhà dòm chừng trong ngoài trước sau.

Một hôm, trâu đi cày về, thấy chó nằm dài trước cửa nhà, mắt nhắm lim dim trông thật nhàn hạ, thoải mái, sung sướng làm trâu ganh tị, tức tối, muốn điên lên, bèn nói lời mỉa mai rằng: “chú chó nhà mày thật hạnh phúc quá, ăn rồi chỉ đi loanh quanh, lẫn quẩn trong xó nhà, lúc nào làm biếng thì nằm phè ra đó. Mày thật là có phước nhất nhà này”.
Chó nhà ta nghe trâu nói lời hậm hực, nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ rằng trâu tuy to xác nhưng không có chút trí tuệ nào, mới phát ra những lời lẽ không được văn hóa như thế. Chó bèn nói với trâu rằng: “này anh trâu ơi, anh không thể nào hiểu hết hoàn cảnh của tôi đâu, tôi nào có sung sướng hạnh phúc gì như anh tưởng. Anh tuy làm lụng vất vả, nhọc nhằn ngoài đồng ruộng, nhưng còn có thời gian để nghỉ ngơi. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật ra tôi rất mệt mỏi và căng thẳng lắm. Tôi tuy nằm lim dim mà trong lòng lúc nào cũng lo sợ phập phòng, cứ phải nơm nớp không yên vì sợ mất mát đồ đạc của ông bà chủ, không dám lơ là hay chểnh mảng một chút nào. Nếu ngủ quên hay sơ ý để xảy ra mất trộm, thì tôi khó mà sống được yên thân. Đêm đêm, trong khi mọi người yên giấc ngủ ngon lành, thì tôi có được nghỉ ngơi gì đâu, tôi phải vểnh lỗ tai lớn ra để nghe ngóng, dòm ngó động tĩnh trước sau, đề phòng kẻ gian, hễ nghe có tiếng động gì thì phải sủa to lên để báo cho chủ nhà hay biết. Hôm nào, hai vợ chồng chủ nhà vui vẻ thì tôi được cho ăn no đủ một tí, khi hai người giận nhau hay buồn bực chuyện gì, họ đều trút đổ lên đầu tôi hết. Họ đánh, họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi như là con chó ghẻ vậy đó. Mỗi khi gia đình, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa, họ chửi tôi là đồ ngu dốt, “bộ mày mắt đui hả? Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ chửi rủa, đánh đập đuổi đi. Anh trâu à, anh thử suy nghĩ coi, anh và tôi ai sướng hơn ai?”.
Trâu nhà ta nghe nói vậy mới hiểu được hoàn cảnh khổ tâm của chó, nên trong lòng rất ăn năn và hối hận vô cùng, bởi những lời nói xổ sàng, trịch thượng của mình.
Trâu ta liền xin lỗi chó:“đúng là mày còn vất vả khổ sở hơn tao rất nhiều. Tao với mày tuy ở chung một nhà, mà chưa có một lần nào được trò chuyện tâm tình, nên mới hiểu lầm mà trách móc lẫn nhau. Bây giờ tao đã hiểu hết nỗi khổ niềm đau của mày rồi, tao nghe mày nói tao mới biết, cả hai chúng ta đều khổ cả, chẳng ai sung sướng gì đâu”.
Đang nói chuyện với chó, trâu bỗng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn lên mà ước ao được như thế, rồi ngậm ngùi thương xót cho số phận của mình và chó, sao quá khổ sở nhọc nhằn, rồi tự than thở: “bọn chim trời, cá nước thật là diễm phúc và sung sướng làm sao. Chúng có thể tự do, tự tại bay lượn, bơi lội đó đây mà không bị ngăn ngại, không bị ai giam cầm, quản thúc, không phải làm việc nhọc nhằn, vất vả, không phải chịu nỗi khổ, niềm đau của kiếp làm tôi mọi cho con người. Giá mà chúng ta, có được cuộc sống vui vẻ như hai loài chim, cá thì vui sướng hạnh phúc biết chừng nào”.
Khi ấy, một chú chim nghe lời trâu than vãn, bèn đáp lên lưng trâu mà nói rằng: “bác trâu ơi, bác đâu có biết, chúng cháu cũng chả sung sướng gì như bác nghĩ đâu. Tuy loài chim chúng cháu không phải trông nhà giữ cửa, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc kèm kẹp của con người, nhưng chúng cháu cũng có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình, bác trâu ạ. Mạng sống chúng cháu luôn bị đe dọa từng ngày, chúng cháu lo sợ các chú chim lớn rình mò, chụp bắt đã đành, lại còn lo sợ những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng cháu bất cứ lúc nào không hay. Tổ của chúng cháu làm rất khó khăn, vất vả biết bao, chưa chắc đã ở được lâu ngày vì sự phá hoại của con người. Trứng chúng cháu sinh ra chưa kịp nở, thì đã bị con người lén lấy mất. Loài người lúc nào cũng biết thương yêu, chiều chuộng con cái của mình, nhưng nào biết thương hại các loài vật đâu. Các chú, các bác chỉ bị hành hạ làm lụng khổ sở nhọc nhằn đôi chút, còn chúng cháu lúc nào cũng sống trong lo âu sợ hãi, vì loài người hay tìm cách tước đoạt mạng sống của chúng cháu nữa. Các bác biết đó, đâu phải chết rồi là được yên thân, loài người tàn nhẫn hơn khi đem đi nhổ lông, vặt cánh, xẻ thịt, nấu nướng, làm đủ thứ các món thức ăn, thân thể chúng cháu bị tan nát rã rời. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ có trí khôn của mình nên mặc tình sát sinh, hại vật, nào có biết thương yêu, tôn trọng sự sống của muôn loài gì đâu.
Các chú, các bác có cái khổ của các chú, các bác, còn chúng cháu cũng có cái khổ của chúng cháu, sống mà cứ phập phòng nơm nớp lo sợ trong từng phút giây, sống được ngày nào thì mừng cho ngày đó. Thật ra, trên cõi đời này không có loài vật nào được sung sướng cả, nếu có cũng phải trả một giá rất đắc đối với loài người vô liêm sỉ đó”.
Bầy cá đang ở dưới nước, nãy giờ nghe bác trâu nói mình sung sướng, thoải mái quá, nên cũng không đồng ý mà vội vàng phân bua rằng: “Dạ, xin thưa với các bác, loài cá chúng con cũng không sung sướng hạnh phúc gì lắm đâu. Nhà cá chúng con thường bị loài người giăng lưới đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả hàng ngàn, hàng vạn con không sao kể hết tội lỗi của loài người. Chúng con lúc nào cũng sống trong lo âu, sợ hãi. Loài người rất khôn ngoan và mưu ma chước quỷ. Nơi nào có chúng con ở là loài người dùng đủ mọi cách câu giăng, lưới bắt, tát cho bằng được. Cá lớn, cá nhỏ gì chúng đều lượm sạch ráo, chẳng tha con nào. Bắt bằng tay, bằng lưới không được thì loài người dùng điện chích, bỏ thuốc độc, để bắt cho được hết loài cá chúng con, các bác ạ”.
Trâu nghe chim và cá nói như vậy, mới cảm thấy thương hại cho các loài vật mà ngửa mặt lên trời, than oán thở dài: “Hóa ra các loài vật chúng ta ai cũng khổ hết. Tại sao thượng đế tạo ra nỗi bất công lớn lao thế này, chỉ có con người là được sống sung sướng, hạnh phúc nhất trên cõi đời này mà thôi”.
Nói như thế rồi trâu ta buồn bã bỏ đi vào chuồng, nằm suy nghĩ mông lung về thân phận của nó và các loài vật khác sao mà khốn khổ quá. Nó nghĩ mà tức giận thượng đế vô cùng. Tại sao ông ta quá bất công, tàn nhẫn, bất cứ loài vật nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cho đến chúa tể sơn lâm hung dữ, ác độc lừng danh như loài cọp mà cũng bị loài người dùng trí khôn để khống chế. Trâu ta rống lên tiếng rống bi ai, não nuột: “Cuộc đời sao quá bất công, loài người được quyền ăn trên, ngồi trước, có tri thức, hiểu biết, mà tại sao tàn ác, nhẫn tâm đối xử tệ bạc với các loài vật thế này. Ấy vậy mà họ lại được ăn sung, mặc sướng, không phải chịu một sự đau khổ nào”.
Đang lúc đó, bỗng trâu nghe rõ ràng tiếng quăng chén, bát, đĩa, muỗng cùng nhiều thứ đồ đạc khác trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết hai ông bà chủ đang lớn tiếng gây gỗ, cãi vã, chửi mắng lẫn nhau. Tiếng ông chủ gào lên trong cơn giận dữ: “Trời ơi, hãy ngó xuống mà coi, sao tôi phải chịu nhọc nhằn khổ sở đến như thế này, làm người gì mà không bằng con trâu, con chó trong nhà nữa. Con trâu đi cày còn có được thời gian để nghỉ ngơi, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu, đa đoan với nhiều công việc, nào là phải lo nhà cửa, vợ con, cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, đám tiệc, hội hè, đình đám, đủ thứ, làm quần quật suốt cả đêm ngày mà không có lúc nào rảnh rỗi, nghỉ ngơi. Tôi phải thức khuya, dậy sớm, đầu tắt mặt tối, làm lụng nhọc nhằn, vất vả khổ sở như vậy, là vì ai? Vậy mà bà vẫn không vừa ý, hài lòng, để cho tôi được yên thân một chút, hễ thấy mặt tôi là bà hạch sách, cằn nhằn, càm ràm, đủ thứ hết. Bà vừa phải thôi chứ, bà mà làm quá tôi sẽ cho cả nhà ra hết chuồng trâu mà ở, để cho vừa lòng hả dạ mấy người”.
Nghe ông chủ nhà nổi nóng, to tiếng quát tháo ầm ỉ lên, trâu ta bỗng giật mình, bất giác mà ngậm ngùi than thở rằng: “Té ra, cuộc sống trên cõi đời này đâu có ai hoàn toàn được sung sướng mà dám bảo đảm rằng mình không bao giờ nhọc nhằn, khổ sở đâu? Từ con người cho đến muôn loài, muôn vật, ai cũng phải khổ hết, vì có thân này là có khổ”.
Trong cuộc sống, mỗi người có một hoàn cảnh, sự nghiệp khác nhau. Từ người lãnh đạo đất nước cho đến thứ dân bần cùng đều phải làm việc để lo cơm áo, gạo tiền và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Người nắm cán cân công lý thì chịu trách nhiệm chung lo duy trì hài hòa bảo đảm đời sống an vui, hạnh phúc cho toàn dân. Binh sĩ lo bảo vệ biên cương, bờ cõi, an ninh quốc gia. Thương nhân lo kinh doanh, buôn bán. Nông dân và công nhân tích cực lao động, sản xuất. Tu sĩ lo gìn giữ đạo đức tâm linh để giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay hiện tại và cho cả tương lai.
Chính vì thế, tu sĩ Phật giáo giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện tại. Họ không phải là những người lười biếng, ăn bám xã hội. Họ có trọng trách thiêng liêng, cao quý là giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Thế gian này, nếu con người sống không có nhân cách đạo đức tốt đẹp, không có luân thường đạo lý, thì xã hội sẽ là một bãi chiến trường đẫm máu, mà lịch sử loài người đã chứng minh thực tế rõ ràng. Từ mấy ngàn năm lịch sử, chiến tranh nhân loại xảy ra cũng vì lòng tham lam, ích kỷ của con người.
Nhưng nếu trong cuộc sống, ai cũng có ý thức sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, mà cùng nhau chia vui, sớt khổ, hay làm những việc thiện lành, để đem lại an vui, hạnh phúc cho nhân loại, thì thế gian này sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Ngược lại, con người sẽ chỉ làm khổ nhau, vì tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi; vì tâm si mê, ganh ghét, tật đố, sân hận, muốn bảo vệ quyền lợi cho chủ nghĩa cá nhân. Đó là một lẽ thực trong cuộc sống hiện tại, nên Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng sinh, mà khuyên nhủ chúng ta không nên giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối hại người, và không dùng các chất độc hại, như rượu chè be bét, hút chích xì ke, ma túy, mà làm khổ đau cho nhau.
Song, nếu quán chiếu theo tuệ giác của Thế tôn, thì thế gian này khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Khổ và vui như hai mặt lật úp của một bàn tay, đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa khắp cuộc đời chúng ta, không một ai có thể thoát được. Ngoại trừ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã vượt qua được mất, khen chê, tốt xấu lẫn khổ vui của cuộc đời, để thành tựu đạo quả giác ngộ, giải thoát dưới cội Bồ Đề. Ngài đã tìm ra chân lý kiếp người,và biết cách làm chủ bản thân, không bị lệ thuộc vào đấng thần linh, thượng đế ban phước, giáng họa.
Cuộc sống này người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có những cái khổ của người giàu, và người nghèo có những cái khổ của người nghèo. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có những cái không được hài lòng, như ý. Ai cũng có những nỗi khổ về thân như nóng lạnh, bị muỗi mòng chích đốt. Trong gia đình, con người khổ vì phải sinh, già, bệnh, chết. Ngoài xã hội, con người khổ vì đấu tranh, giành giựt miếng ăn để sống, và đủ thứ nỗi khổ, niềm đau đến với con người: yêu thương, xa lìa nên khổ;lòng oán ghét mà ngày nào cũng gặp nhau là khổ; mong cầu mọi việc mà không được vừa ý cũng khổ. Khổ là một sự thật của muôn loài chúng sinh. Vậy, chúng ta muốn hết khổ thì phải làm cách nào?
Có ai sống mà không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, không nhớ nhung, không sầu khổ hay không nuối tiếc, hy vọng một điều gì đó? Có ai sống mà không biết phiền muộn khổ đau, thất chí nản lòng, bi quan yếm thế, chán chường trong cô đơn tuyệt vọng? Có ai dám bảo đảm rằng ta hoàn toàn khỏe mạnh, thoải mái cả hai về mặt thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có ai, ngoài trừ các vị đại Bồ tát và chư Phật thị hiện vào đời để giáo hóa chúng sinh. Cho nên,
Biển cả mênh mông sóng ngập trời.
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Nhìn lại, cùng trong biển khổ thôi.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, sở dĩ con người và muôn loài vật phải chịu nhiều đau khổ trong đời, chính là do nhân ham muốn luyến ái dục lạc, mà chúng ta nỡ nhẫn tâm tàn sát, giết hại lẫn nhau. Loài vật vì ngu si, mê muội nên phải bị đọa lạc vào chỗ thấp hèn để trả quả xấu ác. Con người có phước hơn, vì có hiểu biết và nhận thức sáng suốt, nếu biết vận dụng theo chiều hướng thượng thì đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh; ngược lại, sẽ gieo đau thương, tang tóc cho muôn loài, thì phải chịu quả báu khổ đau, cùng cực.
Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại tranh giành, giết hại, ăn nuốt lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Thân đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham sân si; trong gia đình khổ vì phải lo cơm áo gạo tiền, rồi thương yêu, ái ân xa lìa khổ, ngoài xã hội lại khổ vì đấu tranh, giành giựt, hơn thua, phải trái, cứ như thế oán thù ngày thêm chồng chất; còn hoàn cảnh phải khổ về thiên tai, sóng thần, động đất, bão lụt, chiến tranh không có ngày cùng, vì sự ngu si, tham lam, mê muội của con người.
Những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài không bao giờ chấm dứt, vì nhân tương tàn, tương sát lẫn nhau. Cho nên, ta phải biết khôn ngoan, sáng suốt, lựa chọn con đường hướng thượng, để rèn luyện nhân cách đạo đức. Ta biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời, nhờ giữ gìn năm giới của nhà Phật: không giết hại, trộm cướp, lường gạt, tà dâm, nói dối, và dùng các chất kích thích như rượu, xì ke ma túy, để làm tổn hại cho nhân loại.
Khi ta nhận biết cuộc đời là một trường đau khổ, và cái khổ sẽ tác động đến tất cả mọi người, từ vua chúa, quan quyền, cho đến dân đen, con đỏ. Những nỗi khổ, niềm đau trong kiếp người không biết bao giờ kể xiết, nó đeo đẳng chi phối đời sống của ta như bóng theo hình. Người nghèo phải khổ vì dãi nắng dầm mưa, đầu bán cho trời, lưng bán cho đất, nợ nần chồng chất, con cái thất học, bệnh tật đau yếu, vợ chồng ly tán. Người giàu phải khổ vì quyền cao chức trọng, sợ người tài giỏi hơn mình, luôn sống trong lo âu sợ hãi, sợ tiền tài bị mất mát, và nỗi khổ đau nhất là con cái bất hiếu, phá sản vì bê tha, nghiện ngập. Xét cho cùng, đã có thân này là có khổ; cho nên, ta cần phải cố gắng tu tâm dưỡng tánh, để biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Bản thân chúng tôi đã trải qua một thời si mê, dại dột như thế, nên phải chịu nhiều đau thương, thống khổ cùng cực, do thấy biết sai lầm với quan niệm chết là hết, không có nhân quả, nghiệp báo, tội phước gì. Nhờ gặp Phật pháp, dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của thầy tổ cùng chư huynh đệ thiện hữu tri thức, tôi dần hồi có tỉnh giác, để làm mới lại chính mình mà vươn lên, vượt qua số phận tối tăm.
Đức Phật vì lòng từ bi mà thương xót chúng sinh, nên đã chỉ ra nỗi khổ, niềm đau, chỉ dạy phương pháp dứt khổ, để chúng ta cùng được sống trong bình yên, hạnh phúc. Khổ là một sự thật. Chúng tôi kính mong mọi người hãy nên chín chắn, suy xét kỹ càng, kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động, để khi ta làm điều gì đều không làm tổn hại cho mình và người. Phần lớn, mọi người tìm đến chùa học hỏi, tu tập đều do gặp hoàn cảnh trắc trở, khổ đau trong đời sống hằng ngày. Mà khổ từ đâu ra? Từ sự chấp trước ham muốn luyến ái dục vọng mà ra cả.
Đôi lời tâm sự chân thành, xin được kết nối yêu thương cùng với tất cả mọi người qua đề tài “ Cái gì trói buộc con người.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Người thương

Có những người ta biết rằng rất thương nhưng không thể nói rằng ta yêu họ. Vì khi nói ra chắc rằng ta sẽ mất họ mãi. Anh chọn cho mình lặng im dõi theo từng bước đi của em, chọn cho mình thương em trong im lặng, lặng lẽ bên em mỗi lúc em cần, lặng lặng gói gém tình cảm của mình để cho em không thể nào mà biết rằng anh thương em nhiều như thế.

Lời cảm tạ...

                                               Đây là tôi, nhưng mà chibi. Cảm ơn bác. Trước khi về quê thì viết cái cho rực rỡ, cho nó có khí thế. Gọi là cuối năm nói sạch, nói tuột để bước sang đầu năm mới cho vui, cho nó gọi là đúng quy trình. Định điểm một vài tin vu vơ, gọi là để khoe mẽ với các bạn trẻ rằng ngày nào tôi cũng đọc báo để các bạn biết được rằng ngoài chung tình với face ra thì thú vui tao nhã của tôi vẫn là đọc báo. Nhưng mà thôi, nói cái khác cho có khí thế, gọi là cho đúng các bạn trẻ, không được rời xa thực tế.... rứa thôi. Bắt đầu từ ngày hôm qua, vâng-hôm qua là ngày 22 thì Hà Nội mới có không khí tết. Đào với quất mới khoe sắc sặc sỡ ở đường, điểm tô cho cái thành phố đúng quy trình. Mọi góc ở bên Văn Miếu cũng được tận dụng hết sức là trơn tru để chào đón các cụ đồ ngồi cho chữ... ờ quên, bán chữ mới đúng, nhưng phải nói cho chữ cho nó đúng quy trình. Rứa thôi.